36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Chuyên Gia >
  Tu bổ di tích: Thực trạng và đòi hỏi Tu bổ di tích: Thực trạng và đòi hỏi , 36phophuong.vn
 
Tu bổ di tích: Thực trạng và đòi hỏi

 Theo kết quả kiểm kê gần đây nhất (năm 1996), trên phạm vi cả nước có tới gần 40 nghìn công trình, địa điểm có giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Ðến nay, trong số đó, ngành văn hóa cả nước đã lập hồ sơ xếp hạng được 3.026 di tích quốc gia, hơn 5.350 di tích cấp tỉnh. 


Ðể giữ gìn những giá trị truyền thống, đặc sắc còn lưu giữ được tại các di tích, việc đầu tư, tu bổ di tích ngày càng nhận được sự quan tâm to lớn của Ðảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Ðầu tư của Nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho mục tiêu chống xuống cấp và tu bổ di tích ổn định và tăng dần theo từng năm. Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo và đang trở thành những sản phẩm du lịch- văn hóa hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn khách tham quan ở trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương như: Khu di tích Yên Tử, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vịnh Hạ Long, thắng cảnh Hương Sơn, quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Tháp Bà Ponagar, Ðịa đạo Củ Chi, Núi Bà Ðen, Ðền Bà chúa Xứ... Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho việc tu bổ, tôn tạo di tích cũng ngày một tăng lên, do đó nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên được hồi sinh, nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục hồi và tổ chức tại di tích, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của xã hội.

Hoạt động tu bổ di tích đang từng bước đi vào nền nếp và tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. Việc thẩm định về chuyên môn đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn kinh phí của Nhà nước được làm khá chặt chẽ, cho nên chất lượng thi công tu bổ cơ bản đạt yêu cầu về mặt khoa học. Sau hơn mười năm được đầu tư, Cố đô Huế đã thoát khỏi tình trạng cứu nguy khẩn cấp và đang hướng tới sự phát triển bền vững. Hàng chục ngôi nhà của Phố cổ Hội An được tu bổ, cảnh quan được tôn tạo, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được trình diễn thường xuyên tại Hội An đã đưa Khu di sản này trở thành một điểm du lịch văn hóa thật sự hấp dẫn.

Dù còn gặp nhiều khó khănvề kỹ thuật, nhưng một số Tháp Chăm ở các tỉnh miền trung đã được tu bổ. Hàng trăm ngôi đình, ngôi chùa, đền, miếu có giá trị lớn về kiến trúc- nghệ thuật đã được tu bổ như Ðình Tây Ðằng, Ðình Ðình Bảng, Ðình Hàng Kênh, Ðình Mông Phụ, Ðình Tường Phiêu, Ðình Thụy Phiêu, Ðình Lâu Thượng, Ðình Sùng Văn, Ðình An Cố, Chùa Mía, Chùa Dâu, Chùa Bối Khê, Chùa Keo Thái Bình, Chùa Keo Hành Thiện, Ðền Nghè, Ðền Ða Hòa, Ðền Ðào Lâm... Nhiều di tích lịch sử cách mạng kháng chiến được tu bổ, phục hồi: ATK Ðịnh Hóa, ATK Hiệp Hòa, Khu căn cứ Tân Trào, Pác Bó, Sở chỉ huy Mường Phăng trong chiến dịch Ðiện Biên, Ðường Hồ Chí Minh thuộc các tỉnh miền Trung, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam... Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2001- 2005, hơn 500 lượt di tích đã được đầu tư cộng với hơn 900 lượt di tích của giai đoạn 2006- 2009. Kết quả là, trong chín năm qua (từ 2001), trên cả nước đã có gần 1.500 lượt di tích được đầu tư tu bổ ở những cấp độ khác nhau.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, hiện vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra.

Do các di tích được phân bố ở khắp nơi, làng xã nào cũng có, di tích công trình tôn giáo- tín ngưỡng chiếm số lượng rất lớn trong các di tích đã được xếp hạng. Ðó là các chùa, đền, miếu liên quan đến truyền thống tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, truyền thống tôn vinh những người có công với quê hương đất nước của nhân dân ta. Di tích vốn là công trình do dân làng xây dựng và tu bổ khi hư hỏng, nên tính chất tự phát trong ứng xử với di tích còn tiềm tàng trong các cộng đồng dân làng. Việc tự động tu bổ không xin phép, không có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn còn khá phổ biến, dẫn đến tình trạng di tích bị tu bổ sai nguyên tắc khoa học. Một số di tích được Nhà nước đầu tư cũng gặp nhiều trở ngại khi triển khai bởi dân làng chỉ muốn di tích được "bền vững", "xứng tầm", "bề thế" hơn thời trước, nên muốn thay mới toàn bộ các cấu kiện gỗ, phản đối việc áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp, gia cố cấu kiện cũ... Kết quả là, yếu tố gốc bị biến dạng, các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của di tích bị suy giảm, mất mát.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý về di sản văn hóa ở cấp huyện, xã hiện nay hết sức mỏng, hầu hết các huyện đều chưa có cán bộ chuyên môn về di tích, nếu có cũng phải phụ trách nhiều mảng công tác, cấp xã mới có một định biên cho cán bộ văn hóa nói chung nên khó có thể nắm bắt kịp thời các diễn biến xảy ra trên địa bàn. Hai khả năng sẽ xảy ra là công tác quản lý bị buông lỏng hoặc trình độ quản lý không đáp ứng yêu cầu.

Ðội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn- thiết kế- giám sát, đội ngũ cán bộ kỹ thuật- công nhân lành nghề về tu bổ di tích của chúng ta còn ít, năng lực không đồng đều, dẫn đến chất lượng quản lý và tu bổ ở một số di tích còn chưa được như mong muốn. Nâng cao cả về số lượng và chất lượng để hướng tới mục tiêu hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, chuyên nghiệp trong lĩnh vực tu bổ di tích là nhiệm vụ quan trọng hiện nay đòi hỏi công tác đào tạo cần được đầu tư có chiều sâu ngay từ bây giờ.

Việc lập dự án, thiết kế tu bổ di tích hiện cũng chưa huy động được sự tham gia của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực có liên quan nên còn nhiều dự án phải mất nhiều thời gian, chi phí cho việc góp ý, sửa chữa thì mới hoàn chỉnh. Tầm quan trọng của các dự án về mặt chuyên môn chưa được một số cơ quan có thẩm quyền nhận thức đầy đủ mà chất lượng dự án thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các khâu tiếp theo, đó cũng là một thực tế rất đáng quan ngại.

Tu bổ di tích được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa. Việc áp dụng quy định như xây dựng công trình dân dụng thông thường (đơn giá xây nhà cấp IV) đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tu bổ. Tu bổ di tích là một hoạt động khoa học có tính đặc thù, vì vậy cần có quy định riêng về lập, phê duyệt, triển khai dự án và thiết kế tu bổ di tích. Ðơn cử như công tác khảo sát phục vụ việc lập dự án tu bổ di tích. Ðây là một công việc rất phức tạp. Các nội dung phải khảo sát như khai quật khảo cổ, lấy thông số khí hậu, xác định loại côn trùng mối mọt đang tàn phá di tích, đặc điểm vật liệu và chất kết dính..., đều đòi hỏi phải được tiến hành toàn diện, tỉ mỉ và khoa học, nên rất cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực khoa học, đặt trong sự phối hợp liên ngành hết sức chặt chẽ. Vậy mà, trong quá trình thi công vẫn luôn phải điều chỉnh thiết kế (do nhiều hư hỏng của di tích khi tháo dỡ mới bộc lộ đầy đủ). Hoặc như việc tổ chức công bố, tuyên truyền về dự án tu bổ di tích tại địa phương nơi có di tích nhằm vừa thể hiện sự công khai, minh bạch của dự án, vừa tranh thủ được ý kiến đóng góp, giám sát của quần chúng cũng là một yêu cầu hết sức nghiêm túc, hợp lý thuận tình, nhưng khi thực hiện không đơn giản vì các văn bản pháp lý hiện hành còn thiếu rất nhiều quy định cụ thể. Ðể khắc phục tình trạng này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định giao: "Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích". Chắc chắn rằng, với quy định này, hoạt động tu bổ di tích sẽ có một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, giúp cho việc nâng cao chất lượng tu bổ di tích.

Tu bổ di tích là công việc của muôn đời. Mặc dù trong mấy chục năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều di tích xuống cấp cần được tu bổ trong những năm tới. Vì vậy, yêu cầu không ngừng nâng cao nhận thức về khoa học bảo tồn di tích, nắm vững thực trạng di tích cùng những đòi hỏi cấp bách đang đặt ra từ nhận thức ấy, thực trạng ấy để quản lý chặt chẽ và triển khai có hiệu quả các hoạt động tu bổ di tích nhằm gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích đã và đang là nhiệm vụ hết sức nặng nề của các ngành, các cấp và của mỗi người dân.

Nguyễn Thế Hùng
Cục trưởng Di sản Văn hóa


  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
53989

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Phải bảo tồn, tôn tạo vẻ đẹp và giá trị gốc (08/09/2022)
  + Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Người dân, nhà quản lý, nhà chuyên môn chưa gặp nhau (08/09/2022)
  + Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Người dân phải là chủ thể (08/09/2022)
  + Không biết bảo tồn, con cháu sẽ phải trả giá! (08/09/2022)
  + Hà Nội ấn tượng trong mắt du khách nước ngoài (23/12/2020)
  + Không có phố cổ, chỉ có phố cũ (01/02/2011)
  + Ngôi nhà “cổ nhất Hà Nội”: “Tôi đã nghĩ, thế nào cũng có lúc bị cháy!” (27/01/2011)
  + Điểm nhấn kiến trúc cho khu phố cổ (27/01/2011)
  + Chất lượng cuộc sống ở Hà Nội bị bụi đe dọa phía đường Trần Quang Khải (27/01/2011)
  + Quá chậm trong việc bảo tồn phố cổ Hà Nội (27/01/2011)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang